top of page

Đừng dẹp trừ phiền não


Lần đầu mà tôi nghe thiền sư Sao Tejaniya, người Thầy thiền sư thứ hai của tôi dạy tôi về Vipassana nói rằng: “Con không cần phải dẹp trừ phiền não, con không cần phải thay đổi những thói hư tật xấu vì con không thể làm được đâu mà hãy giao việc đó cho chánh niệm làm”.

  • Nghe xong câu đó tôi đã quỳ sụp xuống lạy thiền sư ba lạy và rơi nước mắt.

  • Là tại vì mình đã không biết được kỹ thuật này, gọi là bí quyết thì đúng hơn; nhiều năm trời qua mình đã hì hục để loại trừ phiền não tham sân si, để sửa đổi những thói hư tật xấu… nhưng mà cũng không sửa được bao nhiêu, thậm chí có những thứ mình càng đụng vào thì càng làm cho nó trầm trọng hơn.

  • Vì mình mang một thái độ rất là thái độ, rất là nhiều vấn đề trong thái độ đó. Mình mang tham sân si để đi dẹp tham sân si. Mình mang con người đầy tổn thương, đầy thiên kiến để dẹp trừ phiền não… thì làm sao được.


Chỉ có một thứ thuần khiết, đủ sức mạnh để dẹp trừ tất cả phiền não, đó chính là chánh niệm, chủ thể của bạn.

  • Bạn chỉ cần phát triển chánh niệm cho nó mạnh, cho nó thường trực, cho nó sắc bén… thì tự động nó sẽ lên đường để giải quyết những vấn đề bên trong của bạn, làm cho bạn thay đổi đến không ngờ. Bạn chỉ cần có chánh niệm thôi, bên trong bạn nó sẽ có sự thay đổi.

  • Dĩ nhiên là bạn cũng phải chánh niệm trên phiền não. Hôm nay trong giờ ngồi thiền tôi có chia sẻ với các bạn rằng, có hướng dẫn rằng là: “Hãy ngồi thiền mà như ngồi chơi đó đi, đừng có gồng gượng, đừng có mong muốn mình phải định tâm hay là tâm bình an gì cả”.


Thực tập định tâm là một phần cũng quan trọng nhưng mà nó không là gì so với thực tập quan sát phiền não cả. Nhưng mà nếu mình không có định tâm thì mình cũng không có đủ lực để quan sát gì cả.

  • Ngồi đó để nhìn những vị khách đến và đi, những cơn vọng tưởng, những tiếng nói lèm bèm, càm ràm… Loa phát thanh lớn quá! Chó nhà hàng xóm ồn quá! Ai mà ở phòng bên đi cái chân rầm rầm, sao mà ngồi thiền được, sao mà chọn đúng lúc này mà đi gọi điện thoại…! thì đó là những thứ bạn cần phải thấy.

  • Đó không hẳn là bạn nhưng mà nó là rác rến trong tâm bạn.

    • Bạn đã đưa vào, bạn đã dồn nén nó.

    • Bạn đã từng sống theo nhu cầu của xã hội, chạy theo cảm xúc của người khác, đáp ứng những mong cầu của người khác.

    • Như bài pháp thoại trước có nói là: “Bạn đeo những chiếc mặt nạ để thể hiện bạn ổn, lúc nào cũng ổn, sắm trên gương mặt nụ cười thường trực nhưng mà nụ cười công nghiệp, gượng gạo”.

    • Bạn không dám thể hiện cảm xúc thật của mình.

    • Bạn không thể nói bạn không thích. Bạn không thể nói bạn không chấp nhận… vì như thế bạn không dễ thương, bạn không được đánh giá cao.

    • chính bạn cũng đồng nhất luôn, nhập tâm luôn vào những cái nhu cầu xã hội, những cái sự đánh giá khen chê, như thế này là mới đúng như thế kia là sai rồi.

    • Bạn cũng không biết bạn là ai? Ở với người này thì bạn trở thành cái này, mà ở với người kia bạn trở thành cái kia. Mình dễ bị ảnh hưởng như vậy gọi là “đánh mất chủ quyền”.


Thiền tập là bạn ngồi yên xuống, dừng lại; để nhìn vào, để lắng nghe những tiếng nói xã hội ở trong đầu của bạn lúc nào cũng ồn ào. Và nó chi phối bạn là chính, nó điều khiển những cái nói năng hành động của bạn mỗi ngày chứ không phải là bạn đâu. Vì bạn đã thường, có những lúc bạn dừng lại nhìn sâu, bạn đã không hài lòng về những điều đó.

  • Bạn cảm thấy tức giận chính mình, rồi bạn cũng lên án luôn cả chính mình. Tại sao mình lại làm như vậy? Là vì bạn đã không kết nối được với con người chân thật của bạn.

  • Bạn đã đồng nhất quá lâu với cái tôi giả tạo đó. Bạn tưởng nó là mình cho nên bạn cảm thấy không thỏa mãn, không thỏa đáng, có lúc cảm thấy trống rỗng chênh vênh.

  • Có lúc mình thấy xung đột với chính mình, có hai tiếng nói như là những cậu bé tí hon lèm bèm lèm bèm đấu khóe. Một đứa kêu nên làm, một đứa kêu đừng làm; hay là một đứa kêu đừng làm, một đứa kêu nên làm. Bạn không biết cái nào là bạn luôn.

  • Có lúc bạn nghe tiếng nói đó như là cha của mình đã từng quát tháo rầy la mình.

  • Có lúc bạn nghe tiếng nói như mẹ thở than ỉ ôi những đau khổ của mẹ ở trong bạn.

  • Hoặc là sếp, những người có quyền lực buộc bạn phải thế này thế kia mà bạn không muốn; nhưng mà vì bạn muốn giữ vị trí đó, muốn được làm việc ở đó, cho nên là bạn đã miễn cưỡng chấp nhận và nó đã hình thành cái sự dồn nén ở bên trong.


Trong lúc ngồi thiền giống như là bạn đi thanh lọc cơ thể vậy.

  • Nó sẽ tuôn trào ra, tuôn trào ra.

  • Sẽ có lúc bạn thấy bất ngờ về những phiền não dữ dội của mình. Hành thiền càng sâu, phiền não càng nhiều.

  • Thật ra không phải là thêm vào mà là lấy ra. Những trận phiền não ồ ạt tuôn chảy ra. Là một cuộc thanh tẩy cho một hành trình rất dài bạn sống với chiếc mặt nạ xã hội.

  • Nhưng mà lần này rất là sướng là vì bạn chủ động làm điều đó, bạn là chủ thể, bạn ngồi nhìn ngắm.

  • Bạn không can thiệp nha! Can thiệp thì lại có chuyện, bệnh chồng thêm bệnh. Đoạn Trừ Phiền Não Trùng Tăng Bệnh.


Phiền não mà đem đi đoạn trừ thì chỉ sinh thêm phiền não mà thôi.

  • Nguyên tắc ở đây đó là bạn hãy cứ ngồi yên đó. Nó không làm gì bạn được đâu, nó chỉ là khách, nó chỉ là ảo ảnh không có thật.

  • Mà nếu bạn không tách ra khỏi nó, bạn cứ đồng nhất vào nó thì bạn sẽ trở thành những thứ ảo ảnh, rồi trở thành hoang tưởng.

    • Có những người họ ngồi họ nói lèm bèm một mình; hoặc là họ mớ, họ nói rất nhiều trong giấc mơ đó, họ phản ứng, gào thét, họ khóc lóc… đó chính là những sản phẩm của sự dồn nén mà không có giải bày được cảm xúc của mình. Một hành trình quá lâu sống theo nhu cầu của người khác mà không có chủ quyền.

    • Trong giọng nói của ai đó mà có sự rít rát, có sự gay gắt, có sự hằn học khó chịu, cùng như là nước sôi mà bạn nghe tiết rít rít vậy. Đó là sự giải phóng năng lượng sau một thời gian kìm nén quá lâu.

  • Nhưng mà càng đi sâu vào bên trong, càng chánh niệm về những phiền não của mình thì nó yếu dần, vơi dần và sẽ được chuyển hóa.


Bạn sẽ đi qua một giai đoạn thanh lọc vô cùng đau đớn.

  • Tu thiền không có sướng liền đâu.

  • An trú trong hiện tại thì có thể tạo những cảm giác bình an một chút, thoải mái một chút. Đó là chưa đi vào hang quỷ đó, chưa đi vào sào huyệt của bản ngã, của tham sân si.


Bạn phải giải phóng luôn, phóng thích luôn những thứ đó thì bạn mới tự do đích thật, bạn mới đạt tới trạng thái hạnh phúc chân thật.

Commentaires


bottom of page