top of page

Đường về nhà, có tay Phật trong tay con

(thiền sinh Quảng Thanh)


Bộ phim hoạt hình đoạt giải Oscar 2022 “The Boy, The Mole, The Fox and The Horse”, dựa theo cuốn sách nổi tiếng cùng tên của tác giả Charlie Mackesy là một bộ phim hay và cần thiết cho những người bị khủng hoảng hiện sinh (existential crisis).


Đây là một bộ phim Thầy Minh Niệm rất tâm đắc và kể lại với đại chúng như là câu chuyện chính của buổi pháp thoại “Tay Phật trong tay con”. TỪ BỘ PHIM CỦA SỰ KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH The Boy, The Mole, The Fox and The Horse là câu chuyện một cậu bé đang lạc lối. Cậu muốn tìm về “nhà” của mình, trên đường đi ấy, là sự phát triển tình bạn giữa bốn sinh vật: cậu bé (The Boy) với những người bạn, con cáo (The Fox) - quá khứ, chuột chũi (The Mole) - hiện tại và con ngựa (The Horse) - tương lai. Mỗi một con vật mà cậu gặp trên đường đi lại tượng trưng cho một yếu tố giúp cậu trưởng thành và tìm được về “nhà”. Chuột chũi dạy cho cậu về lòng tốt, cáo dạy cho cậu về sự tự tin, chấp nhận những phần không tốt đẹp của bản thân. Ngựa thì dạy cậu hãy tự tin thể hiện bản thân, bỏ qua việc bị coi là dị biệt. Hành trình tìm về nhà của cậu bé (The Boy) là ẩn dụ về quá trình mong muốn tìm kiếm một nơi mang lại cảm giác mình thuộc về, quay vào bên trong để chữa lành đứa trẻ trong chúng ta. Nhà chính là bất cứ nơi nào có sự ấm áp sẻ chia chứ không nhất thiết phải là căn nhà vật lý mong đợi nào đó. Cậu bé ở đây là ẩn dụ cho “đứa trẻ bên trong” cùa mỗi người, việc cậu bé tìm “nhà” là để chữa lành và tìm kiếm lý do cho sự tồn tại của mình. Người ta cảm nhận được cái hay của bộ phim này một lần nữa, khi Thầy Minh Niệm kể lại câu chuyện này, người mà đã có lúc, cũng chính là cậu bé ấy.


ĐẾN CƠN KHỦNG HOẢNG CỦA NGƯỜI TU SĨ & SỰ TRỞ VỀ MỘT ĐỨA TRẺ


Thầy Minh Niệm đã từng có một quãng thời gian dài rơi vào bế tắc, mãi sau này, khi bước ra khỏi, Thầy mới gọi được tên, là sự khủng hoảng hiện sinh. Đó là khi Thầy ở tuổi 24, bị mất đi cùng lúc cả song thân của mình. Như lời Thầy kể, đó là một quãng thời gian hoảng loạn nhất trong đời và người tu sĩ trẻ đã mất đến 2 tháng trời sống trượt dài trong khổ đau trầm trọng, khi liên tiếp hứng chịu 2 mũi tên, mất song thân, mất sự nghiệp.


Để rồi một ngày, người tu sĩ trẻ bước ra, nhìn khung cảnh chung quanh, nhìn cây, nhìn chim chuyền cành, nhìn trời trong mây trắng, nhận ra tại sao ta lại mất kết nối trầm trọng với thế giới mà tất cả mọi người đang sống và ta cũng là một phần trong nó? Người tu sĩ trẻ nhận ra mình là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cuộc đời của mình, cho mình cơ hội thử một lần như một lần duy nhất trong đời. Mình vẫn còn có thể làm được nhiều điều, tuy có thể không lớn lao nhưng vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Thầy bắt đầu hiểu ra, trải qua khổ đau là hành trình quan trọng của cuộc đời mình. Nỗi khổ niềm đau ấy không chừa một ai, kể cả người xuất gia. Thầy chia sẻ: “Điều quan trọng là, đừng cố gắng thêu dệt nỗi đau. Cái đau đến rồi đi, cái quan trọng là quan sát. Mỗi ngày đều cố gắng ngồi lại, đi “về nhà”, không thả rông tâm ý”. Thầy cũng tâm sự: “Đức Phật giúp tôi theo một cách khác mà mãi sau này mới hiểu. Tôi nhận ra, mình được được đứng trên vai của những người Thầy vĩ đại. Tôi đang thở, thiền, đi cùng đức Phật. Tay Phật trong tay tôi.” Điều này, cho ta thấy, cũng như cậu bé trong phim, luôn cho phép người khác giúp đỡ mình trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, mà không phải ngượng ngùng, “kêu gọi sự giúp đỡ không phải là sự yếu đuối, mà là mạnh mẽ, vì ta từ chối không bỏ cuộc”.


Cái kết của bộ phim cũng cho thấy rằng, phía sau một sự lạc lối, không nhất thiết là sự an toàn của quá khứ, mà có thể là ngôi nhà mới, con người mới, không giống mình khi xưa. Cậu bé trong “The Boy, The Mole, The Fox and The Horse” tìm ra được phiên bản mới của đời mình. Như Minh Niệm bước ra khỏi phiên bản cũ kỹ của mình, như chính Thầy thừa nhận “phiên bản mới khác đến 80% so với phiên bản cũ. Có thể là một cuộc hành trình mới còn gian truân hơn phía trước, nhưng khác là ta đã mạnh mẽ hơn xưa. Vì Thầy thấy “luôn có Phật trong lòng”. “Phật trong con là chất liệu của trí tuệ và từ bi. Tìm thấy con đường vượt qua khổ đau là Pháp trong con. Buông xả cảm xúc là đang nương tựa Pháp ở trong con. Nương tựa Tăng ở trong con là tổng thể hài hòa thân và tâm trong con. “Đây có lẽ là buổi pháp thoại hiếm hoi Thầy Minh Niệm nhắc khá nhiều về Đức Phật như vậy, hẳn là Thầy đã thấy được sự kỳ diệu khi luôn có Phật bên mình. “Khi buông cái tôi xuống, ta tiếp xúc đức Phật nhiều hơn. Mỗi ngày vẫn đang nắm tay Đức Phật. Khi nào chúng con tiếp tục mở lòng ra, biết rằng chúng con là con cháu của đức Phật”. Ắt hẳn là chuyện của cậu bé trong bộ phim, của tu sĩ trẻ Minh Niệm những năm tuổi 20, ta sẽ thấy thấp thoáng đâu đó trong đời sống mỗi chúng ta. Khi nào bạn cảm thấy hoang mang lạc loài, niềm tin sống, nghe lại buổi pháp thoại này, xem lại bộ phim ấy, có lẽ, sẽ dễ tìm thấy đường về nhà hơn…



Comments


bottom of page