(bài cảm nhận của thiền sinh Tánh Suối Từ)
Thiền trà cuối tuần. Ngẫm lại một đoạn con may mắn được học với Thầy. Tự xét biết mình là thiền sinh ít siêng năng tinh tấn. Vậy mà con nhận thấy mình thay đổi nhiều trong hơn hai năm qua. Một nhấp trà thơm tan nong nóng, con nghĩ về mấy chuyện, bỗng dưng dùng cùng một vần “Th” mà viết thành.
Thiền đi liền với Thật. Hồi trước con cũng thật, nhưng thật với người khác, người đối diện. Còn bây giờ con thật với chính mình. Lo lắng à? Đúng là lo rồi. Lười biếng à? Chắc không sai. Buồn? Bực? Dở ẹc? ... con thấy mình, và rất thật, con chấp nhận mình còn yếu kém nhiều lắm. Cứ từ từ mà sửa mỗi ngày một chút, vội chi rồi hư hết. Là chính mình mà, sao phải chối là không phải vậy? Thầy dặn: "phải trung thực với chính mình". Con nhớ.
Thật rồi mới Thẳng. Hồi trước con cũng thẳng tính lắm, với mọi người. Bây giờ con thẳng với mình. Bởi con biết con còn nhiều “cái” chưa hay; mà rồi con cũng thấy tội nghiệp mình quá, sao tận bây giờ mới thấy mới biết? Sợ à? Sợ cái gì? Cắt đứt cái đó có chết không? Mà nếu chết thì có phải là chuyện lớn không? Mà nếu không chết thì có gì mà phải vương vấn nó? Vậy thì Thẳng, cắt ngay, chặt không thương tiếc, bỏ không ngoảnh nhìn, đi không tiếc nuối. Cứ mỗi lần con Thẳng với một việc, con lại thấy ít ràng buộc hơn, ít dựa dẫm hơn, nhiều nội lực hơn, có phần tự do hơn. Thầy dặn rất nhẹ nhàng: "Có gì đâu mà ... ! ".
Có nội lực hơn tí, nên lòi ra chữ Thâm. Cũng chưa biết là thâm thúy hay thâm hiểm, chắc cũng tùy . Hồi trước hay can thiệp, thích giải thích, thường nhận xét ( mà toàn là phán xét). Bây giờ thì đơn giản là im lặng, nhìn và nhận, rồi biết phản ứng của mình. Một là không nói, hai là nói khi đã bớt phản ứng, mà thường là im lặng luôn. Ấy vậy mà vài chuyện có vẻ thông suốt, đỡ hiểu lầm, khỏi phải giải thích, bớt rắc rối nữa. Không biết người đối diện trong cuộc thì có giống con không, nhưng cũng không sao, rồi người ấy sẽ có cách của họ. Con mĩm cười, nên có khi nghĩ là thâm. Thầy dặn ít thôi, nhưng con nhớ hoài: "Chỉ lặng nhìn mà không phản ứng", bớt phản ứng, bớt sai sót. Và Thầy cũng dặn: "những quyết định đúng đắn chỉ được quyết trong trạng thái bình yên". Mà bình yên là bớt phải ứng, không phản ứng chớ gì nữa. Con nhớ.
Bởi bớt phản ứng, nên biết lắng nghe, có lắng nghe mới hiểu, và chữ Thương ra đời. Thương là không thấy ghét. Thương là không thấy giận. Thương là không trách phạt. Khi phản ứng nỗi lên, thì ghét lòi ra, giận ập tới, trách móc, trừng phạt liên tiếp ra đòn. Khi bớt phản ứng, sẽ kịp thời gian suy nghĩ, bỗng nhiên lòng biết ơn trở về, với những điều đẹp, với lòng tốt, rồi bỗng nhiên thấy nhẹ nhàng, muốn tha thứ, muốn nâng đỡ, muốn thương. Thầy dặn rất sâu: "Chưa biết thương mình, sao biết thương người". Và ngược lại, con hiểu, thương người không bởi vì họ đáng thương; mà họ không đáng thương nên mới cần thương. Chớ họ đáng thương rồi, mà mình không thương được là lỗi của mình. Con nhớ.
Và chữ “Th” sẽ như vậy mà nối dài Thênh thang Thong thả.... Một ngụm trà cuối, tha thiết lắm. Bởi không có gì quí bằng được chia sẻ sau những lần im lặng.
Con kính cảm ơn Quí đại chúng đã đọc.
Con, Tánh Suối Từ
Comments