Trong Vipassana, thực tập quán tâm rất là quan trọng.
Chỉ có quán tâm chúng ta mới nhận ra được thái độ của mình trong quá trình mình hành thiền cũng như là khi mình tương tác với đời sống; để xem tâm mình nhảy múa như thế nào. Trong giờ thiền tọa hoặc là trong giờ hành thiền kể cả thiền hành hay những bài thiền tập khác chúng ta đều được hướng dẫn kỹ thuật cơ bản, đó là “hãy mở lòng ra đón nhận mọi kinh nghiệm đi ngang qua, dù là những kinh nghiệm tốt hay là những kinh nghiệm không tốt, dù là tâm an hay là tâm bất an, dù là vọng tưởng hay là đang không có vọng tưởng thì chúng ta cũng đều chấp nhận hết”.
Vì rõ ràng là các cơn vọng tưởng ở trong giờ ngồi thiền, dù nó có điên đảo cỡ nào đi chăng nữa nó cũng không nguy hiểm. Nó cũng không có tiêu diệt chúng ta được… Vả lại khi chúng ta ngồi thiền, nội lực chúng ta mạnh hơn bình thường. Mình có một lực để đón nhận, để ứng phó với nó. Nên mình đón nhận những trạng thái không dễ chịu ở trên cơ thể khi mình ngồi kết già, mình ngồi bị đau lưng hoặc là khó chịu khi các phiền não tấn công mình, không quá khó khăn.
Kể cả khi mình ngồi thiền mình đạt được những trạng thái hỷ lạc như là bay bổng, như là bình an rất là sâu, một tự do cho mình, một trạng thái rộng lớn thênh thang thì mình nhận ra rất nhanh. Và mình không rượt đuổi theo để bám chấp vào những trạng thái đó. Tức là đối với những kinh nghiệm tốt như thế định tâm rất sâu, tâm bình an, tâm không phiền não, tâm hạnh phúc thì mình cũng ghi nhận nhưng mà không lao theo.
Nghĩa là mình đang điều chỉnh lại cái hệ thống, "hệ điều hành" bên trong của mình vốn thấy cái gì thích là lao theo, thì bây giờ trong giờ thiền tập mình làm được một việc là đạt những cái trạng thái tuyệt vời mà không có đề cao nó, không lao theo. Khi mình có những trải nghiệm cho là xấu như là phiền não, như là cảm xúc tiêu cực, tâm đầy bất an thì mình vẫn hoan hỉ đón nhận. Khác với thường nhật đó là mỗi khi thấy cái gì trái khoáy, trái ý, trái chiều và khó khăn nghịch cảnh là mình chống đối, gầm rú la hét. Như thể là trên cuộc đời này mọi thứ nó phải xảy ra đúng với ý của mình thì mình mới chịu.
"Tâm không kỳ thị" có nghĩa là ít yêu và ít ghét, ít lao theo và ít loại trừ (dùng từ "ít" cho cho nó gần gũi) để mình thấy mình có thể tham dự, có thể đạt được. Rồi có một lúc nào đó mình sẽ không còn bị mắc kẹt vào yêu và ghét nữa; thì câu hỏi vẫn còn “Đó là trạng thái gì vậy?”
Khi mình ngồi thiền, mình ngồi yên, cũng không có gì để mình yêu, để mình thích. Khung cảnh hiện lên thế giới xung quanh mình, mình bị nhồi sọ nhồi nặn, mình học theo bắt chước để rồi mỗi ngày mình tô đậm cái cực yêu và tô đậm cái cực ghét.
Có những thứ mình cho là yêu nhưng mà một thời rồi mình không yêu nữa. Tại sao vậy? Là vì ý niệm yêu của mình cũng là những ý niệm nhận thức đã thay đổi rồi.
Và ghét cũng vậy, có những thứ mình ghét cay ghét đắng rồi mình cưới, mình ở chung với giặc luôn. Nhưng qua thời gian mình lại yêu, mình lại thương và trở thành một phần đời của mình.
Thành ra những cái thứ mình cho là yêu hay là ghét, những thứ mình tức là mình chống lại, nó chưa từng được xét lại. Mình mặc định nó là đúng rồi, mình đi theo cái sự truyền tụng từ nhiều thế hệ, đi theo dòng chảy của tâm thức cộng đồng mà chưa bao giờ trở thành một người tỉnh thức... Để dừng lại, để xét lại tất cả những quan niệm đó.
Muốn xét lại tất cả những quan điểm đó thì mình cũng phải có chút nội lực, có ánh sáng bên trong thì mới nhìn thấu được. Những cái mình thích và những cái mình ghét, những thứ nào có thể buông bỏ bớt không? Vì khi mình buông bỏ bớt những cái mình thích và những cái mình ghét thì cái khoảng cách giữa Yêu và Ghét nó được sát nhập lại, thu gần lại, để mình đỡ vất vả chạy về hai cực, để mình YÊN hơn, để mình VỮNG hơn, để mình có thể ôm thế giới này vào lòng mình dễ dàng hơn.
Còn nếu mình có quá nhiều thứ để yêu và quá nhiều thứ để ghét thì mình chạy về hai cực; mình lao theo cái này rồi chống cái kia; mình loại trừ dần những người mà mình ghét, những người mình không ưa; mình cứ đeo bám những cái thứ hư ảo (cho nó là hạnh phúc) để rồi trả những cái giá rất đắt.
Hãy thử trở về vị trí trung tâm xem.
Thậm chí mình có thể dùng ý chí để can thiệp để tập buông bỏ một thứ gì đó mình rất là yêu thích hay là lùi lại, nhả ra, không tấn công, không có dán nhãn cho người khác, không có phê bình đánh giá… HÃY TRỞ VỀ VỚI CÁI TÂM THUẦN KHIẾT NHẤT CỦA MÌNH. Vì cuối cùng rồi mình cũng sẽ sống với nó, mình đâu có sống với những người mình ghét hay những người mình thường cả cuộc đời đâu. Cho dù họ sống với mình cả đời thì họ vẫn ở ngoài mình, họ không thể nào tham dự vào bên trong, những nỗi khổ, niềm đau, những trạng thái an vui nó ở bên trong, mình chịu trách nhiệm cho nó.
Hãy lùi lại một bước vài bước, để quan sát kỹ lại cái mình cho là cực kỳ yêu thích thì có đáng để tiếp tục lao theo nữa không.
Và những cái mà mình ghét cay ghét đắng, mình chỉ trích, mình lên án, mình loại trừ nó có thực sự đáng ghét không.
Người mà mình đang phê phán, người mình đang đang nhục mạ, đang tấn công họ vẫn là một con người. Họ có gia đình, họ có những người thương yêu, họ cũng cố gắng sống, họ cũng có những điều tốt đẹp để đeo đuổi, họ cũng tạo nên nhiều giá trị cho cuộc đời, chứ không phải là ác quỷ. Họ có mặt trong cuộc đời này cũng muốn sống cuộc đời sống có bình an, có hạnh phúc mà.
Khi mình có cơ hội được tiếp cận, được tìm hiểu, được nhìn thấy sự thật thì có thể mình sẽ không muốn trừng phạt. Mình chỉ có thể muốn trừng phạt người nào đó khi mình tin mình người đó là ác quỷ. Mà khi mình nhìn thấy ác quỷ nghĩa là mình đang có vấn đề.
----
Mời quý đại chúng cùng xem lại đầy đủ bài pháp thoại "Nhìn đời bằng con mắt không kỳ thị" thuộc buổi 8 của chuỗi thiền tập NHÌN ĐỜI BẰNG MẮT TRONG:
Comments