"Đáng lẽ ra mình phải thuần khiết chứ, mình phải bình an chứ, mình rất là nghiêm túc trong sự thực tập mà…": đó là tâm phản ứng, tâm chống lại điều gì đó mà mình cảm thấy không phù hợp; đó vẫn là một thứ phiền não, mà là thứ phiền não đáng sợ.
Tâm sân là là cội rễ của rất nhiều tâm tiêu cực khác.
Và nó cũng đến từ tâm si. Tâm si tức là tâm không có hiểu thấu đáo, tâm thiếu hiểu biết, tâm mờ mịt. Có thể chúng ta chưa nắm rõ thông tin đầu vào của thiền tập, chúng ta thực tập theo cách của mình. Không có được hướng dẫn kỹ lưỡng hoặc là kể cả mình có những văn bản kinh điển hướng dẫn nhưng mà ngôn từ rất là hạn chế, không diễn đạt hết.
Và mình phải nhờ kinh nghiệm của các vị thiền sư, những người thầy có kinh nghiệm; để chỉ cho mình thấy, cho mình biết thái độ đúng của thiền tập là gì, thì mình thực tập mới có kết quả được.
Một buổi thiền tập có kết quả không hẳn là ngồi đó tâm bình an, tâm không suy nghĩ, tâm không vọng động, ngồi đó có nhiều niềm vui… Đó cũng là một thành quả, nhưng mà nó không đáng kể.
Nó không quan trọng bằng buổi ngồi thiền đó, tuy có nhiều phiền não nhưng bạn nhận biết. Nhận biết liên tục, nhận biết suốt tiến trình phiền não sinh khởi - hình thành - kết thúc với một cái tâm không chống đối.
Mà kể cả mình có chống đối, thì mình cũng phát hiện ra được cái tâm chống đối đó luôn, rất kịp thời, rất là hay. Đó chính là sự giải thoát.
Giải thoát là vậy! Giải thoát ra khỏi những phiền não. Mình giải thoát ra khỏi áp lực của người khác; sự ràng buộc của người khác, của hoàn cảnh, của thành bại hơn thua.
Nhưng mà, khi mình đi vào thiền tập thì mình lại bị ràng buộc theo một kiểu khác, mình mất tự do theo một kiểu khác đó là: “Mong cầu mọi thứ xảy ra theo ý và chống đi lại những cái gì không theo cách của mình”.
Là một Phật tử hay mình là một người tu theo Phật giáo, nhưng mà mình lại không có được hướng dẫn kỹ lưỡng, không có tập trung vào sự thực tập đúng đắn đó là: “Hãy quan sát tâm tham và tâm sân của mình mỗi ngày, và nó có động cơ là tâm si.” Để rồi một người phật tử, một người tu luyện mà đặt ra không biết bao nhiêu là mong cầu, rồi bị chính những cái mong cầu đó hành hạ mình.
Mong cầu và đòi hỏi. Thí dụ như khi mình thấy người khác tu theo phương pháp khác mình cũng phản ứng, mình không chấp nhận. Tại vì mình muốn người đó phải tu theo đúng như mình, theo phương pháp của mình. Hoặc là mình chống đối lại, mình phản ứng lại rất là gắt với những tri kiến khác, với những cái nhận thức khác, cách tiếp cận sự tu luyện khác. Vậy nên là mình càng tu thì tâm tham và tâm sân nó càng lớn phiền não càng nhiều.
Mình chỉ có công phu, chỉ có nỗ lực, chỉ có tinh tấn; đôi khi còn không có luôn điều đó. Mình chỉ có hình thức nên mình chưa tiếp xúc được với tinh túy, trái tim của sự thực tập.Như chúng ta nói trong buổi trước đó là: “Tu tập chính là tu tâm, tu theo đạo Phật là tu tâm chứ không phải là tu trên hình thức”.
Hình thức là cần thiết, thí dụ như chúng ta cần một không gian tĩnh lặng, cần mặc một bộ đồ để chúng ta được nhẹ nhàng, được thấy mình tách ra khỏi trần lụy.
Chúng ta cần có tiếng chuông để tĩnh tâm. Đó là những hình thức hỗ trợ, hoặc là chúng ta phải ngồi yên xuống, xếp chân lại thì tâm mới dễ định.
Nhưng trong tất cả những hình thức đó nếu thiếu sự quan sát tâm, không thấy được tâm; mà mình làm là để đối phó để trình diễn, làm một cách vô thức thì đó là sai phương pháp và không mang lại kết quả gì.
Cụ Nguyễn Du có một câu rất hay là: “chẳng tu thì cũng như tu mới là.” Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đó là: “Tu vô tu tu - Chứng vô chứng chứng - Hành vô hành hành”.
Tu mà không có kẹt vào hình thức tu đó mới là tu.
Chứng mà không thấy có một cái ngã đang chứng, thì cái chứng đó mới thật. Còn chứng mà mình thấy mình chứng, mà thấy mình hay, cao siêu… rồi mình kiêu ngạo, tự hào, mình coi thường người khác thì cái đó là cũng là chứng, nhưng mà nổi chứng thôi, không phải là thực chứng.
Thực hành cũng vậy: thực hành làm sao mà người ta không có thấy mình đang thực hành, không có hình thức thực hành. Cho dù người ta có thấy thì đó không phải là do mình phô diễn, mà bên trong mình có sự thực hành. Nó có sự dịch chuyển từ tâm rất là tham - rất là sân - rất là si, mà mỗi ngày bớt tham - bớt sân - bớt si, là thực tập đúng hướng theo truyền thống đạo Phật.
Thì cụ Nguyễn Du mới nói là, "Không tu" tức là không có dựa trên hình thức tu, nhìn thấy không có ra vẻ tu gì hết. Không có đạo mạo, không có lên đời, không có màu mè hình thức. Nhưng mà ở bên trong thực sự là tu, có một sự chuyển hóa rất là lớn. Mỗi ngày khiêm nhường hơn, lòng bao dung hơn, nhiều tình yêu thương hơn. Mỗi ngày sống với tâm hỷ xả, tâm độ lượng hơn, thì đó chính là tu rồi.
Dĩ nhiên là nếu có thêm môi trường, có thêm đoàn thể, có thêm phương pháp, có thêm người thầy hướng dẫn thì tuyệt trần, thì việc tu luyện sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Nhưng mà nếu có thầy, có bạn, có phương pháp mà nó chỉ là hình thức thôi; vẫn chưa đi sâu vào nội dung, chưa đi sâu vào cốt tủy thì là thất bại, thì không mang lại nhiều lợi ích.
Không tu mà cũng như tu mới là!
Còn không tu mà cũng như là không tu, chẳng tu gì hết.
Phải có hoạt động, phải có công phu ở bên trong...
Mà muốn như vậy thì mình phải đi vào bên trong, mình phải nhìn thấy tâm mình mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.
Mình tập ngồi yên, rồi định tâm trên hơi thở, quan sát hơi thở vào ra. Cái đó cũng chỉ là phần phụ thôi, phần chính là nhìn thấy tâm.
Khi mình nhìn vào thì mình thấy một bãi chiến trường. Từ xưa nay mình chưa từng đi vào bên trong để mình nhìn thấy. Nó luôn luôn phân luồng giữa mong muốn đòi hỏi và chống cự loại trừ theo bản năng tự nhiên.
Bản năng của mình là bản năng sinh tồn, cho nên mình đặt ra rất nhiều mong muốn gọi là những mong muốn dư thừa, và nó là sản phẩm của tâm si, tâm vô minh.
Vì mình không có hiểu bản chất của đời sống, mình không hiểu được hạnh phúc chân thật là gì, cho nên là mình đặt ra những mong muốn quá sức là vô lý không cần thiết.
Và mình dành cả phần đời của mình, thậm chí là cả đời để phục vụ cho những mong muốn đó, và khi những cái mong muốn đó không được thực hiện, không như ý mình thì mình sẽ chống lại, sẽ phản ứng loại trừ.
Một mặt là mình nắm bắt rất nhiều điều kiện của hạnh phúc, một mặt là mình tích luỹ được rất nhiều thứ; nhưng mà bên trong mình tâm sân và tâm tham rất dữ dội, bản ngã điên cuồng thì mình cũng không thể nào có hạnh phúc có bình an được.
Comments