Sức mạnh của sự tập trung
- Ban Gánh Vác
- Jul 22, 2024
- 7 min read

Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 23 tháng 6 năm 2024, chúng ta đang có mặt trong buổi thực tập thứ ba của khóa thiền “Nhìn đời bằng mắt trong”. Hôm nay chúng ta nói về sức mạnh của sự tập trung.
Chúng ta vừa trải qua nửa giờ ngồi thiền để tập trung tâm ý.
Buổi sáng thì tâm chúng ta dễ thương hơn là những lúc khác. Nó chưa đi chơi, nó chưa đi lang thang, chưa rong ruổi.
Hiển nhiên là tâm cũng có thể để suy nghĩ, để dự phòng, để tưởng tượng, để sáng tạo. Nhưng mà nếu chỉ có thế thôi thì tâm sẽ kiệt quệ, tâm sẽ lu mờ dần và không còn phát huy được trọn vẹn những tính năng của nó; cho nên tâm cũng cần có sự dừng lại, có mặt trọn vẹn trong phút giây của hiện tại, không cần phải suy nghĩ nữa.
Có lúc chúng ta suy nghĩ nhưng mà có lúc chúng ta muốn dừng suy nghĩ. Nếu chúng ta làm được như thế thì rất là tuyệt vời; vì rõ ràng là có những lúc chúng ta rất mệt, đầu rất căng thẳng, chúng ta rất muốn được dừng lại, chúng ta muốn được tập trung vào công việc hiện tại, tập trung vào những người thân xung quanh hoặc là chính mình; nhưng tâm mình không có nghe lời.
Từ lâu rồi, mình đã để tâm mình hoạt động một cách rất là bản năng, rất là tự nhiên, nó như là một con khỉ (tâm viên) chuyền cành liên tục. Đến nỗi mình biết là phải tập trung vào thức ăn thì thức ăn sẽ ngon hơn, tập trung vào câu chuyện thì câu chuyện sẽ hay hơn, tập trung vào công việc thì công việc sẽ có chất lượng hơn… nhưng mình vẫn không làm được.
Chúng ta đang sống trong một thời đại có quá nhiều sự hấp dẫn, thời đại kinh tế phát triển có rất nhiều thứ để cho chúng ta chụp bắt, thực hiện những những tham vọng của mình, những tham vọng dư thừa.
Và chúng ta cũng sống trong một thời đại công nghệ lên ngôi, có quá nhiều thứ hấp dẫn ở trên thế giới ảo, ở trên các apps, và nó gần như là chi phối thường trực tâm trí của chúng ta.
Ở những thập niên trước thì con người phần lớn là chỉ dễ bị mắc kẹt vào công việc hoặc là trong các mối liên hệ tình cảm thôi. Còn bây giờ đối tượng thứ ba quan trọng mà phải kể đến, thậm chí là có khi nó chiếm vị thấy hàng đầu, đó là các thiết bị điện tử, đó là chiếc điện thoại thông minh.
Nó thông minh quá cho nên nó làm cho chúng ta mất dần cái sự linh hoạt, sáng suốt, tỉnh thức.
Và cứ thế chúng ta luôn luôn bị thu hút, thì kéo đi, chúng ta chụp bắt hết đối tượng này tới đối tượng khác, cho đến khi nào chúng ta kiệt sức. 11-12:00h đêm, 1-2:00h đêm rồi mà vẫn nằm đó ôm Tik Tok, YouTube, xem phim, nghe nhạc, đọc những thứ nhảm nhí… để tiếp tục đi tìm những cái dopamine, những cái trạng thái hưng phấn dễ chịu để cứu rỗi linh hồn của mình vì mình không muốn đối diện với chính mình.
Và dần già chúng ta mất đi tính tập trung chuyên chú sâu vào một đối tượng. Mà khi chúng ta không thể tập trung sâu vào một đối tượng (ví dụ như mình đang làm công việc mình vốn rất là yêu thích mà bây giờ mình không tập trung vào được), mình không tập trung vào được thì mình đâu có thấy giá trị của nó.
Thân mình ở đây nhưng mà tâm mình đã phóng đi nơi khác, sự tập trung rất là lỏng lẻo gọi là một sự xao nhãng. Trong khi đối tượng đang hiện ra rất là đẹp, rất là hay, rất là giá trị.
Người thương của mình cũng vậy, đang rất là có giá trị trước mặt mình, mình vốn rất là yêu thương rất trân quý họ; nhưng mà mình lại đang không xuất hiện một cách trọn vẹn, mình chỉ có mười - hai mươi phần trăm sự tập trung thôi, thậm chí là không có phần trăm nào.
Có xác mà không có hồn, cho nên đối tượng đó dù có rực rỡ, đã hiện ra rồi; nhưng mà mình lại không rực rỡ để hiện ra. Hai bên không tương xứng với nhau, thì mình sẽ không còn nhìn thấy giá trị của đối tượng kia nữa, mình sẽ không có hạnh phúc.
Không có hạnh phúc là vì vậy, là khi những điều kiện hạnh phúc nó đang hiện hữu xung quanh mình, từ những tiện nghi vật chất đến những tiện nghi về tinh thần; nhưng mà mình lại không hiện hữu, mình lại không có mặt trọn vẹn, mình không tập trung vào được.
Vì khi mình mới nhìn vào thấy được giá trị đó thì lại có điện thoại, lại có tin nhắn, lại lao vào các trang mạng, lại nghĩ tới công việc, nghĩ tới dự án, nghĩ tới kế hoạch… để rồi cuối cùng là mình có rất nhiều tách trà nhưng mà chưa bao giờ biết uống trà, chưa bao giờ dừng lại để uống trà.
Trong nhà mình, trong tủ mình có thể có hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu tách trà (tách trà đây là một sự đại diện về những gì mình đã tích lũy được) nhưng mà mình không thể dừng lại, không có thời gian để dừng lại, để thưởng thức nó.
Vì nếu mình dừng lại để thưởng thức trà thì mình không cần sắm quá nhiều tách trà. Chính vì mình sắm quá nhiều tách trà cho nên là mình không có thời gian để dừng lại.
Nếu trong một đại nhân duyên nào đó, trong một dịp may mắn nào đó; mình có thể dừng lại được, thưởng thức được tách trà; cảm nhận sâu vào những giá trị của những vật dụng, của những tiện nghi, của căn nhà, của chiếc xe, của quần áo, rồi đến công việc mình đang làm và hơn nữa là những người thân yêu bên cạnh… thì mình thấy mình hạnh phúc vô cùng.
Mà nếu mình hạnh phúc như thế thì mình đâu cần phải tích lũy thêm quá nhiều vậy. Mình hãy cứ tận hưởng.!
Vậy nên, muốn tận hưởng một cái gì thì bạn phải có sự tập trung, bạn phải ở đó. Mà muốn ở đó thì bạn phải tạm cắt bớt những ngoại duyên ngoại cảnh. Bạn phải tập buông bỏ bớt những thứ không cần thiết. Đó là sự thông minh của bạn, đó là bản lĩnh của bạn.
Nếu mà bạn cứ làm theo lập trình, làm theo thói quen, làm theo dòng chảy của xã hội, ai có gì mình có đó, ai làm sao mình làm vậy, ai không có hạnh phúc thì mình cũng thế… thì đừng có than trời trách đất; tại sao sống trong đời sống này, muốn có hạnh phúc mà khó như thế! Tại sao cuộc đời có quá nhiều khó khăn, có quá nhiều khổ đau… là vì mình chưa chiến thắng được chính mình.
Một trong những trách nhiệm, một trong những việc quan trọng (main job) của mỗi con người đó là phải chiến thắng được chính mình.
Trong đó, mình muốn được sống trong những phút giây hiện tại là mình có thể làm được; mình muốn tập trung vào cái giá trị cốt lõi của cuộc đời mình, ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời mình, sống một đời sống có chất lượng, là mình làm được. Cái gì nó cản trở cho quyết định này thì mình cắt bỏ hết, cắt bỏ bớt. Nếu mà không cắt bỏ hết được thì cắt bỏ bớt.
Cho nên, chữ “xã - xã ly - let things go” trong sự thực tập của Đạo Phật rất là quan trọng. Bạn phải có những cái kéo, bạn phải có những con dao, bạn phải có những thanh gươm… để khi bạn thấy trong mình mọc ra những cái tua bám chặt vào những thứ dư thừa không cần thiết, trong những lúc dễ giải, trong những lúc yếu mềm, trong những lúc không kiểm soát được… thì bạn phải vung gươm ra, cắt đứt đi; tạm thời xin được rút lui, xin từ khước bớt để dồn hết năng lượng trở về tập trung (có nghĩa là tập hợp lại những năng lượng đã tảng mát để gom vào; trung là cái trọng yếu, cái trung tâm của đời sống).
Cái gì là cái chính của cuộc đời bạn vậy? Bạn có làm đúng việc của bạn không?
Cái chính đời người không phải là để đi làm, đi làm chỉ là một cái means, một phương tiện để sống.
Cái chính của đời người đó là được sống một cách sâu sắc và giàu ý nghĩa. Mà muốn như thế thì bạn phải luôn làm chủ được con người mình, bạn phải tập trung vào chính điều ấy.
Mỗi ngày phải tập trung vào việc sống cho sâu sắc, ăn một bữa ăn cho sâu sắc, nói một câu chuyện cho sâu sắc; quét nhà, tắm rửa, trò chuyện với con cái hay là thương thuyết với khách hàng, bàn việc với đồng nghiệp… đều trong sự thành ý, chính tâm, hết lòng, chân thật, sâu sắc.
Và nếu bạn làm được như thế thì bạn sẽ nhận ra rằng: “Hạnh phúc là đây!” Hạnh phúc là như vậy, điều kiện hạnh phúc đã sẵn sàng, bây giờ chỉ cần bạn chiến thắng chính mình để bạn được sẵn sàng có mặt cả thân lẫn tâm ở đây.
--
Mời đại chúng lắng nghe lại bài pháp thoại SỨC MẠNH CÙA SỰ TẬP TRUNG nằm trong Buổi 3 của chuỗi livestream NHÌN ĐỜI BẰNG MẮT TRONG.
Comments