(Thầy trả lời thiền sinh trích trong buổi Vấn đáp – buổi thiền tập cuối cùng của chuỗi pháp thoại “NHÌN ĐỜI BẰNG MẮT TRONG”)
Hỏi: Hành thiền như thế nào thì được xem là có kết quả?
Đáp: Nó phải có được sự chuyển hóa. Chuyển hóa, tức là sự thay đổi tích cực. Thật ra việc chúng ta từ một cái thế giới xôn xao, rất nhiều sự căng thẳng, sự mệt mỏi và bị cuốn trôi theo hoàn cảnh; chúng ta đã quyết tâm quay trở về để kết nối với chính mình. Chúng ta chỉ cần ngồi yên xuống hoặc là thiền hành, kể cả thiền nằm, thiền buông thư. Và mình đã có sự kết nối trở lại với chính mình.
Mình tách ra khỏi ngoài cảnh để an trú trong cơ thể của mình trong phút giây hiện tại chừng 5 phút 10 phút, mà mình làm được như vậy thì đó là một sự tiến bộ, mang lại kết quả tức thì.
Nhưng để gọi một kết quả lớn lao hơn gọi là đích thực thì nó cần có sự dịch chuyển giữa một thói quen. Ví dụ như:
Trước đây mình rất là vội vã, thì bây giờ mình đã bớt vội vã .
Trước đây mình đã rất căng thẳng bây giờ mình đã bớt căng thẳng.
Trước đây mình không bao giờ an trú được trong hiện tại thì bây giờ trong một ngày mình an trú được đôi ba lần, mỗi lần đôi ba phút.
Hoặc là trong giờ thiền tọa. Trước đây, mình ngồi đó chỉ để suy nghĩ thôi hoặc là ngồi đó chỉ để ngủ thôi; nhưng bây giờ mình đã có thể quan sát được hơi thở quan sát được tâm mình được đôi ba lần và mỗi lần quan sát như vậy mình đã nhìn ra được tình trạng của mình.
Và sau những giờ tĩnh tâm đó cái hơi hướng của sự tĩnh lặng nó vẫn tiếp tục đi theo mình thêm vài giờ nữa, để mình lại tiếp tục quan sát được chính mình.
Nói chung là bất kỳ một cái sự dịch chuyển nào từ tiêu cực trở về tích cực, từ cáu bẩn phiền não trở về với cái sự thuần khiết, từ sự náo loạn ồn ào (rất động) trở về với trạng thái của tĩnh; từ những cái gì thuộc về của tâm si, của ít nhận biết về chính mình đến cái sự nhận biết và thay đổi tham và sân; thì nó đều là kết quả của quá trình hành thiền. Không phải kết quả của hành thiền chỉ được tính là mình ngồi thiền được bao nhiêu tiếng hay là mình định tâm được bao nhiêu phút. Cái đó là một phần rất là nhỏ.
Ngồi thiền bao nhiêu giờ là một bước tiến bộ nhưng nó chỉ đúng về mặt hình thức. Cốt tủy của thiền tập là một sự chuyển hóa, dịch chuyển. Thành ra, có thể mình không thấy được kết quả trong giờ ngồi thiền hay giờ thiền hành nhiều nhưng mình cứ tinh tấn thực tập như thế. Theo thời gian nó tích lũy đủ những cái năng lượng của sự tỉnh thức và mình ứng dụng được phần nào vào trong những sinh hoạt của đời sống, mình sẽ thấy có sự thay đổi ở bên trong con người mình. Đó chính là kết quả cần thiết đáng hướng tới của việc hành thiền.
コメント