(nhà báo Lê Minh Hạ)
Như thường lệ hàng năm, tháng Tư được xem là tháng nhạc Trịnh với hàng loạt các chương trình tưởng nhớ nhân ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thầy Minh Niệm cũng có cách để nhớ về người bạn lớn của mình theo một cách rất riêng. Nhưng không phải Thầy nhớ cho riêng mình, mà là cho mọi người.
CÁCH ĐỂ NHỚ BẠN THÂN CỦA THẦY MINH NIỆM
Nhạc Trịnh vẫn xuất hiện rất thường xuyên trong các chương trình của Thầy Minh Niệm, nhưng với “Mỗi vết thương lành một nỗi vui”, là một trong những lần hiếm hoi Thầy sử dụng nhạc Trịnh xuyên suốt cả chương trình và nhìn nhận nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này với góc nhìn rất đặc biệt: sự chữa lành, chọn câu hát hay nhất của bài “Vẫn có em bên đời” làm chủ đề cho chương trình kỳ này. Mỗi vết thương lành một nỗi vui cũng khác các chương trình trước đó của Thầy, như một cách Thầy đem lại sự thú vị, hấp dẫn mỗi lần có dịp ngồi trò chuyện cùng đại chúng.
Đây là một buổi talkshow có nhạc, có thơ chữa lành. Thơ của Thầy Minh Niệm và nhạc của Trịnh Công Sơn. “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tài năng lớn về cách diễn đạt về cung bậc cảm xúc tâm hồn, Thầy cũng là người đào sâu về ngóc ngách tâm hồn, nên dễ chạm đến nhau. Mặc dù thời quen Trịnh Công Sơn, anh là vai chú bác, mình mới ở tuổi 22, 23. Thời đó mình chưa hiểu nhiều, mãi bây giờ, mới thấu hiểu hơn về nhạc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ viết về tình yêu, mà còn về thân phận con người, về nhân sinh quan, về những trăn trở chúng ta đến cuộc đời này làm gì, làm sao để vượt qua những cơn đau chứ không chỉ quấn quanh trong tình cảm. Anh chất vấn chính mình, tìm đến những triết lý sâu xa của Phật giáo để trả lời những câu hỏi đó.
Là người bạn thân của Trịnh Công Sơn, Thầy cũng chủ quan phần nào hiểu về anh ấy và được may mắn anh ấy cho phép bình nhạc của anh khá nhiều. Có khi bình xong, anh ấy nhận xét rằng Thầy Minh Niệm bình rất là đúng, có khi bình xong thì anh ấy nhẹ nhàng nói Thầy Niệm cứ nghĩ như vậy đi, có nghĩa là “không đúng đó”. Thầy Minh Niệm kể.- “Nhạc Trịnh mang tính chữa lành, đi sâu vào bên trong, nói ra những khắc khoải, đớn đau, uẩn khúc mà thời đó hiếm khi có người làm nghệ thuật nói ra một cách dễ dàng như anh. Thời đó, người ta nói về tình yêu dễ dàng hơn là nỗi thống khổ sâu xa. Trịnh Công Sơn nói về tình yêu, tìm ra lối thoát cho tình yêu, nuôi dưỡng thăng hoa chứ không chỉ lệ thuộc vào tình yêu. Nhạc Trịnh ngày xưa là một phần thức ăn tinh thần của con người. Khi giai điệu vang lên, ta cảm thấy được trở về, nuôi dưỡng thư giãn, chiêm nghiệm một điều gì đó. Với nhạc Trịnh, chúng ta ai cũng có quyền nghĩ theo cách của mình.
Và như cách Thầy Minh Niệm truyền đạt trong chương trình, những ca khúc được chọn Vẫn có em bên đời, Hoa vàng mấy độ, Ru tình, Rừng xưa đã khép, Còn tuổi nào cho em, Còn thấy mặt người được hiểu dưới góc độ chữa lành, giúp người nghe thêm những cảm nhận mới mẻ, thú vị, ý nghĩa hơn về những ca khúc quen thuộc đã nghe bao năm qua. Đâu đó, có lẽ cũng đã xoa dịu phần nào những vết thương trong lòng người nghe.
CÙNG CHỮA LÀNH VỚI TẤT CẢ TỪ ÁI, THẤU HIỂU
Có một thí dụ khá hay được Thầy Minh Niệm nói ra khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại. Rằng một con thú, như con hổ chẳng hạn, khi bị thương, nó sẽ lui về chữa vết thương ngay. Vậy tại sao con người nhận ra tình trạng mình thật tệ, kiệt quệ tinh thần rồi mà lại cứ cố gắng để rồi ngày một lúc tệ hơn! Con hổ quen sống đời sống của chính nó, với cơ thể nó. Con người quen sống với đời sống bên ngoài, ít để ý thấy những phản ứng của cơ thể, của cái tâm, tiếng nói bên trong của mình. Nhiều khi người ta không biết là mình có vấn đề. Biết mình có vấn đề đã khó, chấp nhận mình có vấn đề còn khó hơn. Điều đáng nói, trong buổi trò chuyện này, Thầy Minh Niệm lưu ý nhiều hơn về những người đang tự chữa lành hay chữa lành cho người khác. Một vai trò dù muốn dù không chúng ta cũng phải “đảm trách” không ít thì nhiều lần trong đời. Khi ta tự chữa lành hoặc đang giúp đỡ ai đó chữa lành, cần lắm sự quan sát tinh tế. Ta đưa một bàn tay nâng đỡ, bào mòn bản ngã, bào mòn tham sân si, lắng dịu xuống, cho lòng từ ái được mời lên, lắng nghe những vết thương lớn. Thầy Minh Niệm nói rằng “Khi người ta bị tổn thương, tâm thức rơi xuống cung bậc thấp, nhận thức lệch lạc, vậy nên trước khi mình khuyên nhủ điều gì, nên giúp người bị tổn thương thêm sáng suốt nhận ra. Ngồi bên cạnh, cùng uống một tách trà, nghe chim hót, hát một bài ca, tìm một năng lượng bình an,làm sao cho người đó có tự kết nối lại với nhận thức sáng suốt, nhìn ra đâu là đúng, sai. Dù có thể chưa thoát ra tình trạng đó nhưng họ biết có cơ hội thoát ra. Dù có khi họ ổn đó rồi lại bất ổn đó, khiến mình có lúc bị tổn thương, muốn lắng nghe cũng không xong, vô tình đáp trả lại làm tổn thương lẫn nhau. Hành trình giúp đỡ người chữa lành, vì thế, phải kiên nhẫn thật nhiều. Phải học, rèn luyện, phải có sự cảm thông, lòng từ ái, không bị cuốn theo hay đồng nhất với vết thương đó.”
Thầy cũng nhắc nhớ về chuyện thường gặp là người không có kinh nghiệm rất nôn nóng mong “người bịnh” hết bịnh chứ không kiên nhẫn chờ đợi mất rất nhiều thời gian. Nhưng hành trình chữa bịnh tâm lý gian nan lắm, phải kiên nhẫn. Mỗi vết thương lành một nỗi vui, hãy xác nhận điều đó để người bịnh tự tin bước tiếp, đừng đòi hỏi quá nhiều, kẻo người đó thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Hãy nhìn đời nhìn người, hãy làm bất cứ việc gì mình có thể mang lại lợi ích cho những người thân yêu của chúng ta.
10 TIẾNG ĐỢI THẦY KHÔNG THÀNH TIẾNG
Buổi talkshow và thơ nhạc chữa lành kỳ này có tỉ lệ người trẻ đến dự rất nhiều, nếu không muốn nói là chiếm phần lớn. Không ít người đã lặn lội từ những nơi xa xôi cách xa hàng trăm cây số, đến sớm chờ từ lúc 1, 2 giờ trưa trong cái nắng hạ Sài Gòn oi bức đến 6h30 tối khi chương trình bắt đầu, ngồi dự khán chương trình gần hai tiếng rưỡi đồng hồ xong vẫn tiếp tục kiên nhẫn xếp trong hàng trăm người xếp hàng có khi gần cả tiếng, chỉ để được đảnh lễ Thầy Minh Niệm trong thời gian có thể chưa tới một phút trước khi rời đi cùng vẻ mặt đầy cảm xúc. Nghĩa là tổng cộng thời gian tham dự chương trình có khi kéo dài có khi cả 10 tiếng đồng hồ, thế mà, chỉ thấy cùng một biểu hiện xúc cảm cuối chương trình trong nỗi hân hoan và xúc động, cùng không ít đôi mắt ướt rưng rưng những đôi mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay mà những nụ cười trên môi đã nở, đã nhẹ nhõm, so với trước khi đến chùa Minh Đạo.
Người trẻ đến với các chương trình của Thầy Minh Niệm ngày một nhiều hơn, cũng cho thấy sự quan tâm, hiệu ứng từ các lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần đây của Thầy Minh Niệm, đồng thời cho thấy người trẻ đã quan tâm đến chữa lành nhiều hơn. Một nhu cầu như nắng hạn chờ mưa, mà khi họ được biết đến Thầy Minh Niệm, đã được khơi gợi và trông đợi nhiều hơn, thôi thúc những trái tim thanh xuân đầy yêu thương mà cũng lắm tổn thương kia tìm đến. Tìm đến người Thầy luôn truyền cảm hứng, luôn nhắc mỗi người chúng ta hãy là một đóa hoa, khi không bình an đừng tin vào cái thấy của mình, hãy lùi lại trở về sự tu tập, mời lên sự tỉnh thức, thư giãn, thiền hành, kết nối lại với con người thanh tịnh mầu nhiệm. Người luôn nói rằng khi bạn thấy trong lòng bạn là vũng bùn, đừng sợ, hãy trồng lên một đóa sen, đánh thức giá trị trong lòng người. Hãy tin mình có giá trị. Cho dù không có giá trị với người này thì có giá trị với người khác. “Trong hành trình giúp đỡ những người thân yêu, hãy hết sức kiên nhẫn. Nếu không có đủ, hay đưa Thầy Minh Niệm giúp. Chứ đừng đau khổ nhiều quá!”
Thầy Minh Niệm không quên hài hước “ nếu Thầy không ôm hết bây giờ thì từ từ sẽ ôm”. Hẳn là nhiều người cũng đã biết và đang mong, khóa huấn luyện chuyên gia chữa lành của Thầy Minh Niệm đã và đang tiếp tục, hy vọng sẽ giải bớt phần nào cơn khát chữa lành đang mỗi lúc một nhiều. Cho mỗi vết thương lành, một nỗi vui giữa cõi đời bao la vẫn ngân dài ấy.
Comments