top of page

Buông bỏ những thành kiến



Trong cái lạy thứ 2, chúng ta xin thực tập Buông Bỏ Những Thành Kiến.


Như trong giờ thiền lạy Thầy có chia sẻ, là những trải nghiệm trong cuộc đời là vô cùng quý giá. Càng trưởng thành trong cuộc đời, càng đi sâu vào trong cuộc đời chúng ta có những cái thấy rất lớn. Chúng ta ngộ ra rất nhiều điều so với tuổi trẻ, so với thời còn nông nổi. Nhưng đồng thời cuộc đời này cũng để lại cho chúng ta rất nhiều vết thương; có những vết thương rất là sâu; có những trải nghiệm trong tình cảm nó để lại cho chúng ta những cái uất ức, những cái hận thù; có những trải nghiệm trong công việc và đem lại cho chúng ta sự kỳ thị, sự hơn thua, sự tranh chấp.


Vì cuộc sống quay cuồng bận rộn ta không có cơ hội để nhìn sâu, để xét lại xem tất cả những trải nghiệm đó có thứ nào quý giá tốt đẹp thì mình giữ gìn, nuôi dưỡng. Còn những trải nghiệm nào mà nó tệ hại, nó xấu xa, nó chỉ là rác, thì mình tìm cách để chuyển hóa, để buông bỏ nó. Chứ đâu thể nào mà mình ôm hết tất cả những trải nghiệm vào trong người mình… để rồi trong đó vừa có hoa và vừa có rác, mà đôi khi hoa lại ít hơn rác; rác nó tràn ngập nó tiêu diệt luôn cả hoa.


Trong những cái tri giác, những cái nhận thức của chúng ta hôm nay về người này, về người kia, về cộng đồng, về xã hội, về công việc, về con đường để đi trong cuộc đời này nó không chỉ đến từ những định kiến (tức là những kiến thức tích lũy) mà nó còn đến từ những trải nghiệm, những kinh nghiệm của bản thân gọi là kinh nghiệm tích lũy. Và chúng ta mắc kẹt trong những cái trải nghiệm đó. Như là ai đã từng làm khổ mình rồi thì mình tin rằng người đó sẽ là kẻ xấu; ai đã từng nói cái lời nặng nhẹ với mình rồi thì mình nghĩ cái kẻ đó không xứng đáng là bạn mình. Trong khi người đó đã dịch chuyển rồi, người đó không xấu nữa, người đó không còn không dễ thương nữa.


Cho nên tôi rất là yêu thích câu nói của đức Phật: “Không có con người xấu xa chỉ có hành động xấu xa”. 

  • Khi chúng ta tin một người nói những lời xấu xa hay là có những hành động xấu xa trong nhất thời nghĩa là lúc đó chúng ta đang yếu. Chúng ta đang suy cạn năng lượng, chúng ta có rất nhiều nỗi sợ (sợ những cái sai trái đó nó có gây tổn hại, nguy hiểm đến chúng ta) cho nên chúng ta nhanh chóng phản ứng lại. 

  • Nhưng khi năng lượng đã đủ đầy, con người chúng ta mạnh mẽ thì những sự sai trái kia, những sự (cho dù là) tổn hại kia chúng ta cũng không có ngán.  Chúng ta cũng không có dễ để nó vận vào cuộc đời mình. Chúng ta không có dễ dàng phản ứng. Một con hổ thì làm gì sợ một con chó chứ, chỉ có một con mèo nó mới sợ con chó thôi!


Vậy nên những thành kiến sai lầm cũng chi phối rất lớn cho nhận thức của chúng ta. Và đúng như Đức Phật đã nói: "Vạn pháp duy tâm tạo", tâm chúng ta như thế nào thì chúng ta sẽ nhìn lên thế giới xung quanh mình, cuộc đời những người ở bên cạnh mình như thế ấy. 

  • Khi tâm chúng ta đang ổn thì nhìn thế giới xung quanh rất ổn. Cho nên Đức Phật cũng nói "tâm bình thế giới bình" là vậy. Tâm bình thì nhìn cái thế giới này nó bình và tâm bình cũng góp phần làm cho thế giới bình. 

  • Còn khi tâm bệnh, tâm có định kiến, tâm có thành kiến. Và mỗi ngày chúng ta cứ sốc nổi những định kiến, thành kiến đó lên xem đó là những vũ khí cần thiết. Để rồi tâm chúng ta ngày một bệnh, bệnh rất nặng, bệnh trầm kha. Nhìn đâu cũng có vấn đề, nhìn ai cũng thấy ghét, nhìn ai cũng đáng ngại, đáng nguy hiểm và không gian trong cuộc đời mình nó cứ nhỏ dần nhỏ dần lại… Không muốn đi đâu hết, không muốn tiếp xúc với ai, không muốn kết thân, không muốn thương bất cứ một người nào một cách chân thành. Là bạn đã trúng chưởng rồi, bạn đã bị những định kiến, thành kiến sai lầm hành hạ bạn rồi… bạn không xứng đáng phải bị như thế!


Bạn cần được detox – thanh tẩy, thanh lọc, cần được buông bỏ, loại trừ, chuyển hóa tất cả những cái thấy sai lầm đó, những định kiến, những thành kiến sai lầm. Để bạn trả mình về con mắt trong – con mắt không còn vẩn đục…  

  • Bạn nghĩ sao khi mỗi ngày mình nhìn vào bất cứ ai, mình cũng thấy đáng yêu, thấy rất thân thương, thấy đều là những người bạn thay vì nhìn họ là kẻ thù, là kẻ đáng sợ. Bạn nghĩ sao khi mỗi ngày bạn nhìn vào bất cứ nơi đâu trong thế giới xung quanh mình cũng là đẹp, cũng đều là màu nhiệm thay vì nhìn thấy buồn, thấy chán, thấy vô vị, thấy bực dọc, thấy đáng để than phiền. 

  • Tất cả những điều đó nó tùy thuộc vào con mắt của bạn, con mắt của bạn đang trong hay là đang vẩn đục.


Khi mà bạn nhận ra tất cả là đều do Tâm. Nhận ra một cách rất là chân thật nó rất là tự nhiên. Không phải là khiên cưỡng là vì mình nghe Đức Phật nói "Vạn pháp duy tâm" thì mình cũng đổ thừa Tâm của mình nhưng mà mình không thật sự là nhìn thấy. Mình thấy mình là một hệ quy chiếu: tâm mình như thế nào nó chiếu ra ngoài như thế ấy. Mình chiếu lên mặt người thương mình, mình chiếu lên đồng nghiệp của mình, mình chiếu lên sếp của mình, mình chiếu lên cộng đồng xã hội này bằng con mắt vẩn đục – con mắt của thành kiến, của định kiến thì đừng hỏi sao cuộc đời mình không hạnh phúc, không có tự do.


Ai nói thế giới này màu nhiệm? mình đâu có thấy như thế? Nhưng khi mình biết được rồi À hôm nay mình không ổn, hôm nay mình có rất nhiều năng lượng tiêu cực. Tâm mình nó đang bệnh trở lại”. Thì ít nhất là mình sẽ không tin vào những cái mình nhìn (thấy vậy chưa chắc là vậy đâu, thấy vậy mà không phải vậy đâu) cho nên mình đừng ở trên mạng nữa, mình tách ra khỏi chiếc điện thoại đi.


Khi mà cảm xúc mình nó đang tiêu cực, nó đang đảo lộn, nó đang bất ổn thì đừng để cho những thức ăn cảm xúc nó tiếp tục kích hoạt vào cái Tâm đang bệnh nữa. Kể cả mình dừng lại những cuộc tiếp xúc, những cuộc chuyện trò có tính chất kích hoạt vào những hạt giống tiêu cực của mình, của những cái thấy sai lầm của mình. Kể cả dừng lại những công việc có quá nhiều áp lực, dù chỉ là 5 phút 10 phút, chỉ là tạm thời để được quay về thực tập lại sự tỉnh thức.


----


Xin mời quý đại chúng cùng nghe lại đầy bài pháp thoại "Vượt thoát những tri giác sai lầm", nằm trong Buổi 6 của chuỗi pháp thoại NHÌN ĐỜI BẰNG MẮT TRONG:



Recent Posts

See All

Comments


bottom of page