NẾP NHÀ
Miền Tỉnh Thức là cộng đồng của những người thực hành Thiền và Tâm lý trị liệu nhằm xây dựng đời sống tỉnh thức – có khả năng làm chủ bản thân trước những áp lực và biến động của cuộc sống, đồng thời còn có sứ mệnh lan tỏa những giá trị tâm hồn Thật - Lành - Đẹp đến gia đình và xã hội. Đây là cộng đồng mở, không mang tính tôn giáo, mọi đối tượng có cùng chí hướng đều có thể đồng hành.
(Dưới đây chỉ là một số điều tiêu biểu trong Nếp Nhà của đoàn thể Miền Tỉnh Thức, chúng con xin trích dẫn để giới thiệu cùng quý đại chúng.)
Nhận diện đơn thuần
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải biết thực tập "nhận diện đơn thuần". Đó là khi quan sát đối tượng nào, thiền sinh cũng đều tập nhìn nó "như chính nó đang hiện ra‟. Tức là không bóp méo sự thật, thấy như thế nào thì ghi nhận như thế ấy. Vì thói quen của chúng ta là hay can thiệp vào đối tượng, uốn nắn, "trang điểm‟, điều khiển nó theo ý của mình, khiến đối tượng bị biến dạng hay thay đổi tính chất để giúp ta có được cảm giác dễ chịu, an toàn. Thí dụ như khi thở, ta dễ rơi vào thái độ điều khiển hơi thở dài ra hay ngắn lại, hoặc làm cho nó thật an tịnh trong khi nó đang rất căng thẳng; hoặc khi tức giận, ta cố gắng nghĩ là mình đâu có giận, tìm cách lờ nó đi hoặc khống chế nó để nó đừng bộc phát ra ngoài, hoặc dùng một câu minh triết nào đó để tự trấn an mình rằng "nó không có thật‟ hay "đó chỉ là hiện tượng nhất thời‟. Trong truyền thống thiền tập Vipassanā, thái độ này gọi là "tự kỷ ám thị" hay "trò lừa đảo của tâm trí". Thiền sinh là phải tập sống với tâm chân thật, ghi nhận một cách trung thực những gì mình quan sát được, mà không điều hướng tâm ý theo chiều hướng khác dù là hướng tích cực. Vì làm như vậy chỉ giúp cho thiền sinh được nhẹ nhõm, an ổn trong nhất thời nhưng sẽ khiến thiền sinh không thấy rõ được sự thật hay bản chất của đối tượng.
Cho nên thiền sinh phải thường xuyên kiểm tra xem mình đang nhìn đối tượng "như nó đang là" hay "như chính mình đang là", hay "như mình mong muốn". "Như chính mình đang là" tức là mình dùng thái độ, thành kiến, định kiến, cảm xúc, hay phiền não của mình để phóng chiếu lên đối tượng, nhưng lại luôn cho rằng đối tượng hiện ra như mình nhìn thấy; còn nhìn "như mình mong muốn" tức là có sự nhúng mũi vào để can thiệp, như đã nói ở trên. Hai thái độ sai lầm này thiền sinh rất hay mắc phải, và đó là lý do tại sao tuy hành thiền lâu năm mà vẫn còn nhiều phiền não. Nên nhớ, "niệm" rất khác với "chánh niệm". "Niệm" chỉ là quan sát, nhưng "chánh niệm" là quan sát với "thái độ đúng đắn". Mà, thái độ đúng đắn chính là "nhận diện đơn thuần". Dĩ nhiên, thiền sinh không thể có được ngay thái độ đúng đắn này, nhưng không sao, hãy cứ „gạn đục khơi trong‟ – nhận diện và quan sát chính ngay cái tâm đang vẩn đục đó, duy trì như vậy trong một thời gian hợp lý thì "nước đục‟ sẽ dần biến thành "nước trong", "niệm" sẽ biến thành "chánh niệm". Nhìn bằng "con mắt trong" ta sẽ thấy được bản chất thật của đối tượng và thân phận của chính mình.
Tâm là đối tượng chính
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải biết tâm mới là đối tượng chính của thiền quán. Tuy cũng thực tập quán thân (quan sát diễn biến của thân, thí dụ như hơi thở hay bước chân), quán thọ (quan sát diễn biến của dòng cảm giác – bao gồm dễ chịu, khó chịu và trung tính), nhưng phần thực tập chính yếu là quán tâm (quan sát những diễn biến tâm lý – bao gồm suy nghĩ và cảm xúc). Tức là, thiền sinh phải thực tập quán thân và quán thọ trước cho thuần thục thì mới có đủ kinh nghiệm để quán tâm, vì tâm là đối tượng khó quán nhất. Thật ra, thiền sinh có thể chọn bất cứ đối tượng nào thấy thích hợp, thấy có thể phát triển được khả năng "nhận biết" và "hiểu biết" của mình, tuy nhiên vẫn nên ưu tiên quay về tâm, quan sát tình trạng của tâm, vì tâm luôn ảnh hưởng đến phẩm chất thiền tập và chất lượng cuộc sống.
Trong khi quán thân và quán thọ, thiền sinh cũng có thể kết hợp với quán tâm, và nên thực tập thường xuyên như vậy. Thí dụ như thiền sinh đang thực tập quan sát từng hơi thở vào ra, hay từng bước chân khi dở lên và đặt xuống, thì cũng có thể kiểm tra nhiều lần xem tâm mình lúc ấy như thế nào, tức thái độ hành thiền của mình ra sao: đang căng thẳng hay thư giãn, lơ là hay tinh tấn, hình thức hay hết lòng, thích thú hay nhàm chán... Nhìn kỹ, ta sẽ thấy phiền não luôn ẩn nấp hầu hết trong mỗi hành động và cả trong suy nghĩ, nên ta không thể không nhận biết nó. Thiền sinh mà chỉ biết phồng-xẹp, thở vào thở ra, hay "an trú trong hiện tại‟ mà không thấy phiền não giật dây ở đằng sau thì sự thực tập vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa có nhiều sự chuyển hóa. Tu gì thì cũng phải tu tâm cả. Bởi tâm là hang ổ của bản ngã nhưng cũng là nơi chứa đựng những giá trị chân thật, tâm là nguyên nhân chính dẫn đến mọi khổ đau nhưng cũng đồng thời là cội nguồn của hạnh phúc.
Chăm sóc phiền não
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải biết "chăm sóc phiền não" của mình. Thiền sinh không nhất thiết là không có phiền não, nhưng khi có phiền não thì thiền sinh sẽ xử lý nó dễ dàng. Thay vì tìm cách để trút phiền não ra ngoài cho bớt khổ hay để đáp trả, thì ta sẽ dừng lại mọi nói năng hay hành động, lập tức quay vào bên trong để "chăm sóc phiền não" của mình. Bấy giờ phiền não được xem là đề mục ưu tiên hàng đầu để thiền quán.
Để xử lý phiền não một cách hiệu quả, không phải là làm cho nó biến mất ngay lập tức mà là làm cho nó suy yếu dần và giới hạn khả năng quay trở lại của nó, gồm có 2 bước chính: nhận diện và quan sát. Bước quan trọng đầu tiên là phải phát hiện kịp thời và thấy rõ „mặt mũi‟ của nó; sau khi nhận diện đó là phiền não gì và đang ở mức độ nào thì chỉ cần quan sát nó liên tục. Vì chính sự quan sát (tức chánh niệm) là một thứ năng lực chuyển hóa, nó có thể "vô hiệu hóa" và làm suy yếu phiền não, mà ta không cần phải làm thêm gì cả.
Đối với loại phiền não dữ dằn, nếu thiền sinh đã thực hiện đủ 2 bước trên mà không hiệu quả thì có thể chọn bài thực tập 4 bước sau đây: 1- Nhận diện (nhìn rõ mặt mũi phiền não); 2- Chấp nhận (để cho nó diễn ra theo tiến trình tự nhiên của nó); 3- Thẩm nghiệm (xét xem lý do nào hay động cơ nào đã tạo ra phiền não này); 4- Không đồng nhất (luôn tách ra khỏi phiền não và xem nó là đối tượng quan sát). Điểm then chốt của bài thực tập này là "thẩm nghiệm", tức dùng tất cả mọi hiểu biết (bao gồm kiến thức và kinh nghiệm tích lũy) để tìm ra nguyên nhân và cơ chế hình thành nên phiền não. Tức là ta có phân tích, có suy gẫm, có dùng ý chí để can thiệp, khác với bài thực tập trên chỉ có sự "quan sát thuần khiết".
Thiền sinh xem phiền não của mình như em bé cần được giúp đỡ chứ không phải là kẻ thù đáng phải tiêu diệt, nên mới gọi là "chăm sóc phiền não‟ chứ không phải là "diệt trừ phiền não". Vì bản chất phiền não vốn không có thật, nó chỉ là hiện tượng nhất thời và từ cơ chế tâm thức vận hành sai lệch mà ra. Và ta cũng không thể dùng ý chí để điểu chỉnh nó theo cách của mình, mà phải để cho chánh niệm – năng lượng tỉnh thức thuần khiết – làm công việc ấy. Tức là, công việc của thiền sinh là tạo ra chánh niệm, còn xử lý phiền não là công việc của chánh niệm. Mà thật ra, khi chánh niệm có mặt thì phiền não đã mất thế đứng rồi.
Quý trọng tình huynh đệ
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải biết "quý trọng tình huynh đệ". Người xưa thường nói, "Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Các bạn đồng tu – những người đang bước đi trên con đường tỉnh thức, chắc chắn sẽ mang lại cho ta nhiều năng lượng lành, có thể truyền cảm hứng cho việc hành thiền qua sự tinh tấn hoặc những trải nghiệm thành công của họ, có thể làm tấm gương để ta noi theo, học hỏi, có thể là điểm tựa tinh thần mỗi khi ta gặp khó khăn, và cũng có thể là người thầy soi sáng mỗi khi ta đang mắc kẹt vào phiền não mà ta không nhận ra. Mỗi khi gặp gỡ các bạn hành thiền có phẩm chất, ta luôn thấy mình được nuôi dưỡng, được nâng dậy, và được đánh thức một con người khác rất dễ thương bên trong ta.
Các huynh đệ trong đoàn thể tu tập có thể không cùng tính cách hay sở thích với ta như bạn bè bên ngoài, nhưng họ lại là những con người rất khác biệt – dám đi ngược lại xu hướng thời đại, hoặc là dám tách mình ra khỏi lối sống chạy theo những điều kiện hấp dẫn bên ngoài mà bỏ rơi tâm hồn, hoặc chí ít là họ dám quay về đầu tư nghiêm túc những giá trị bên trong – điều mà không mấy người có thể làm được dù rất muốn. Những huynh đệ ấy tuy tu chưa giỏi, còn ít nhiều phiền não, nhưng họ đang cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân. Cho nên, sẽ đỡ lẻ loi cô độc biết bao nhiêu khi ta có được những người bạn ấy đồng hành trên con đường tu luyện và phụng sự vốn vô cùng gian nan và thách thức. Vì lẽ đó mà ta phải luôn trân quý, giữ gìn, đừng để bất cứ lý do gì gây ảnh hưởng hay đánh mất tình cảm cao đẹp ấy.
Có mặt cho nhau
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải biết thực tập "có mặt cho nhau". Ta phải cố gắng có mặt đầy đủ trong các buổi thiền tập, sinh hoạt, hay làm việc chung cùng với các huynh đệ của mình. Vì sự có mặt là sự hiến tặng quý giá nhất. Và mỗi khi gặp gỡ nhau ta cố gắng đem hết con người của mình ra để có mặt, mà không để cho những lo lắng hay sự bận rộn khiến ta trở nên mờ nhạt trong mắt các huynh đệ và các huynh đệ cũng trở nên mờ nhạt trong mắt ta. Thiền sinh ý thức rằng mỗi giây phút "có mặt với nhau" là một cơ hội để ta được thừa hưởng năng lượng an lành của các huynh đệ, và đồng thời cũng là cơ hội để ta hiến tặng cho họ năng lượng an lành của ta, nên đó phải là một tác phẩm đáng để đầu tư, đáng để lại dấu ấn trong lòng. "Có mặt cho nhau‟"một cách trọn vẹn, cùng khơi dậy những năng lượng tích cực, cùng tạo nên những giá trị lợi ích cho cộng đồng, đó chính là sự tu luyện và phụng sự đích thực.
Những lúc ta có khó khăn, cạn kiệt năng lượng, bị phiền não bủa vây, thì đó lại là lúc ta cần tìm đến các huynh đệ đồng tu hay đoàn thể của mình hơn bao giờ hết. Đừng nghĩ rằng để khi nào ổn định rồi mới tự tin xuất hiện. Đoàn thể tu tập hay các huynh đệ có mặt ở đó là để đồng hành cùng ta qua những thăng trầm, chứ đâu phải lúc nào họ cũng chờ đợi sự hiến tặng của ta. Chính họ cũng vậy. Nên ta cứ đến với nhau và không cần phải cố gắng trình diễn hay ứng phó. Cứ ngồi yên đó như giọt nước ngồi yên cho dòng nước chở đi. Hãy tin vào tình thương và sự hiểu biết của những người bạn lành mà hết lòng nương tựa, cho họ cơ hội thể hiện tinh thần của người đang bước trên con đường thật-lành-đẹp.
Hòa hợp
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải biết thực tập "hòa hợp" với nhau. Ý thức được tầm quan trọng của đoàn thể hay sức mạnh của tình huynh đệ, nên thiền sinh luôn thực tập buông bỏ bớt sự dị biệt, nổi trội, thể hiện, chứng tỏ của cái tôi đơn độc, mà hướng tới sự đồng điệu và hòa hợp. Đó cũng là một phần của tiến trình đi tới "vô ngã".
Để thể hiện tinh thần hòa hợp, thiền sinh phải cùng thực tập chung pháp môn thiền với nhau, cùng giữ gìn giới luật và hiệp ước chung với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm tu tập với nhau, cùng lắng nghe ý kiến và học hỏi lẫn nhau, cùng gánh vác công việc để xây dựng và bảo vệ đoàn thể với nhau, cùng hướng tới con đường lý tưởng giúp đời giúp người với nhau.
Sự hòa hợp trong đoàn thể nếu đạt tới mức như "nước với sữa" không thể tách ra được "hai như một" mà không có sự khác biệt, thì đó là một đoàn thể cực kỳ vững mạnh và tình huynh đệ trở thành chất liệu quan trọng không thể thiếu trong môi trường thiền tập và cho cả đời sống bên ngoài của mỗi cá thể giữa xã hội luôn có nhiều áp lực và biến động.
Năm Giới bảo hộ thân tâm
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải thực tập "Năm Giới bảo hộ thân tâm". Năm Giới này là "những điều cơ bản không nên làm" giúp ta giữ gìn sự thanh tịnh, bình an và thánh thiện trong tâm hồn, nhờ đó mà ta cũng bảo hộ cho gia đình và xã hội. Năm Giới này đến từ tuệ giác của Đức Phật, nhưng ai cũng có thể thực hành theo mà không cần phải là Phật tử.
Dưới đây là Năm Giới bảo hộ thân tâm:
-
Giới thứ nhất: Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin nguyện không giết hại bất cứ sinh mạng nào, không tán thành việc giết hại, mà còn tìm cách ngăn chặn sự giết hại để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài.
-
Giới thứ hai: Ý thức được khổ đau do lường gạt và trộm cướp gây ra, con xin nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác mà không lấy làm của riêng, cố gắng ngăn chặn sự chiếm đoạt bất lương, và chia sẻ những gì trong khả năng đến mọi người và mọi loài.
-
Giới thứ ba: Ý thức khổ đau do sự dâm dục bất chính gây ra, con xin nguyện không trao thân với người không phải là vợ hay chồng của con, không ủng hộ sự phản bội lời cam kết hôn phối, mà còn cố gắng bảo vệ tiết hạnh của trẻ em.
-
Giới thứ tư: Ý thức được khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin nguyện không nói những điều sai với sự thật, không loan truyền tin tức khi chưa biết chắc là có thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù, không phê bình và lên án, không nói lỗi lầm của kẻ khác chỉ để chỉ trích hay chê bai, mà còn cố gắng thực tập chánh ngữ để xoa dịu bớt khổ đau và xây dựng niềm tin yêu cho mọi người.
-
Giới thứ năm: Ý thức được khổ đau do hành động mất tự chủ và lối tiêu thụ bất chấp gây ra, con xin nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất say sưa, độc hại, kích thích sự hưng phấn, và cả những loại phim ảnh hay sách báo chứa sự bạo động, sợ hãi, thèm khát.
Năm Hiệp ước bảo vệ môi sinh
Là thiền sinh Miền Tỉnh Thức, phải thực tập "Năm Hiệp Ước bảo vệ môi sinh". Thiền sinh ý thức được thân mạng mình gắn liền với môi trường xung quanh, nên nếu mình xâm hại môi trường là xâm hại chính mình và cả con cháu mình trong tương lai. Việc cam kết thực hiện bảo vệ môi sinh tất nhiên phải đến từ sự hiểu biết và ý thức của mỗi người, nhưng một khi đã phát nguyện đi trên con đường tỉnh thức và đem lại sự bình an cho cộng đồng và xã hội thì ta phải quyết tâm thực hiện triệt để "những điều không nên làm" này.
Dưới đây là Năm Hiệp Ước bảo vệ môi sinh của cộng đồng Miền Tỉnh Thức:
-
Hiệp Ước thứ nhất: Ý thức việc vứt bỏ túi ni-lông gây nhiễm độc cho bà mẹ thiên nhiên vì phải mất vài nghìn năm chúng mới tự phân hủy, con xin nguyện không sử dụng túi ni-lông mà chỉ dùng túi vải, túi giấy, hoặc các chất liệu có thể tái chế dễ dàng.
-
Hiệp Ước thứ hai: Ý thức nếu cây rừng ngã xuống thì con không thể thở và cũng sẽ ngã theo, con xin nguyện tiết kiệm giấy hết mức có thể, chỉ sử dụng khăn giấy hay các đồ dùng bằng giấy trong trường hợp bất khả kháng.
-
Hiệp Ước thứ ba: Ý thức nguồn nước thiên nhiên đang dần cạn kiệt và hàng triệu người đang chết khát, con xin nguyện tiết kiệm từng ngụm nước, ngay cả khi tắm rửa.
-
Hiệp Ước thứ tư: Ý thức khói xe gây ô nhiễm không khí, tạo ra những trận mưa axít gây chết rừng, nhiễm độc nguồn nước, con xin nguyện chỉ lái xe với mục đích thật sự chính đáng, và sẽ cố gắng dùng xe công cộng khi có thể.
-
Hiệp Ước thứ năm: Ý thức việc nuôi gia súc lấy thịt gây nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chất thải làm cho địa cầu nóng thêm dẫn tới những thảm họa thiên nhiên, và con người ngày càng đánh mất lòng từ ái vốn rất cao cả dành cho muôn loài, con xin nguyện ăn chay thường xuyên để góp phần xoa dịu và giữ gìn sinh mạng chung.
Giữ bàn tay cho khéo
Tiếp nhận nếp tổ tiên
Trao truyền cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên